Trang chủ > Nhìn từ phía bên kia > Tầm nhìn chiến lược phát triển của Việt Nam

Tầm nhìn chiến lược phát triển của Việt Nam

Tháng Tư 4, 2014

QĐND – Thứ Sáu, 17/11/2006, 20:7 (GMT+7)

Tầm nhìn cho một mối quan hệ đang tiến triển

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Mai-cơn Ma-ri-ne trong bài phát biểu: “Hoa Kỳ và Việt Nam: Tầm nhìn cho một mối quan hệ đang tiến triển”, đã điểm lại tình hình quan hệ song phương Mỹ-Việt Nam 11 năm qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao: Hoa Kỳ và Việt Nam đã đi một chặng đường dài từ sự khởi đầu đầy do dự đến một tập hợp đầy đủ và phong phú những lợi ích chung mà hai bên cùng chia sẻ, đặc biệt trong vòng 15 tháng qua, bắt đầu từ chuyến thăm Hoa Kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tiếp đó là các chuyến thăm, gặp gỡ đối tác của quan chức cao cấp hai nước… Sự giao lưu đối thoại ở cấp cao sẽ tiếp tục mà đỉnh điểm là chuyến thăm của tổng thống G.Bu-sơ vào tháng 11 năm nay để tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC”.

Về vấn đề tăng trưởng kinh tế và ý nghĩa của nó với quan hệ song phương, ông Ma-ri-ne đưa ra nhận xét: Việt Nam đã tiến hành một số đợt cải cách, mỗi đợt lại thúc đẩy kinh tế tăng trưởng lên một mức mới. Về vấn đề quan trọng nhất của mối quan hệ giữa hai quốc gia ViệtNam – Mỹ, ông nói rằng: cách đây 10 năm là thương mại và kinh tế, nhưng hiện nay quan hệ giữa hai nước là tổng thể của các vấn đề. Điều quan trọng nhất là người dân hai nước cần phải hiểu nhau nhiều hơn nữa. Chúng tôi xem Việt Nam là một quốc gia tương đối lớn và là một thị trường quan trọng của hàng hóa và dịch vụ Mỹ… Tôi dự đoán Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong tương lai và quá trình hội nhập kinh tế song phương của chúng ta sẽ tiếp tục tiếp diễn… Việt Nam có những kế hoạch và đường lối phát triển riêng. Về mặt chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam sẽ quyết định. Còn về mặt kinh tế, tôi nghĩ Việt Nam không thể trì hoãn việc cải cách mà phải đi hết tốc lực để cạnh tranh với các khu vực, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ đó là hướng đi đúng.

Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế mạnh hơn

Tới thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ phát triển kinh tế Anh (DFID) H. Bơn nói: “Nhiều người dân (Anh) không biết gì về những thành công cải cách của Việt Nam. Tôi muốn tự mình mắt thấy tai nghe câu chuyện thành công này để kể lại với nhiều người. Tôi rất ấn tượng với không khí năng động khắp nơi và nỗ lực cải thiện cuộc sống ở mỗi người dân. Tôi đã đến nhiều nước trên thế giới, có những nước nghèo hơn Việt Nam hoặc được thiên nhiên ưu đãi hơn Việt Nam, nhưng chỉ ở đây tôi mới chứng kiến tận mắt bài học thành công của cải cách mạnh mẽ đến vậy. Việt Nam là một đất nước thành công trong lĩnh vực phát triển với kết quả là 30 triệu người thoát nghèo trong vòng một thế hệ. Ngày gia nhập WTO của Việt Nam đang cận kề và ViệtNam đang trở thành một nền kinh tế mạnh hơn trong khu vực và thế giới.

Việt Nam đứng hàng đầu trong quan hệ của Pháp với châu Á

Bà Brai-gết Gi-ra-din, Bộ trưởng Ủy quyền phụ trách hợp tác-phát triển và Pháp ngữ đã khẳng định như vậy sau buổi lễ ký kết Tài liệu khung về Quan hệ đối tác Pháp-Việt Nam với Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc. Bà nói rằng, “trong quan hệ hợp tác giữa Pháp với các quốc gia châu Á, Việt Nam là nước chiếm vị trí hàng đầu kể cả về mật độ hoạt động cũng như tầm quan trọng. Trong chính sách đối ngoại của mình, Pháp đang hướng tới việc tăng cường quan hệ tại châu Á, và Việt Nam đóng vai trò chính. Năm 2006, Pháp là nhà tài trợ châu Âu lớn nhất và là nhà tài trợ song phương thứ hai (sau Nhật Bản) về hỗ trợ phát triển của Việt Nam với số vốn ODA tới 339,8 triệu ơ-rô. Kể từ năm 2006, Pháp tập trung hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực quan trọng nhất được đề cập trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010…”. Trong giai đoạn này, các ưu tiên của chương trình hợp tác của Pháp tại Việt Nam sẽ xoay quanh hai nội dung chính: Các lĩnh vực liên quan đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ: lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và an ninh lương thực, phòng chống HIV…; Các ưu tiên vì mục đích chung: đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học và công nghệ, đa dạng văn hóa và giảng dạy tiếng Pháp, quản lý Nhà nước hiệu quả và Nhà nước pháp quyền…

Cơ hội để Việt Nam gia tăng ảnh hưởng ngoại giao và thu hút đầu tư

Tiến sĩ Hi-rô Kat-su-ma-ta là nhà nghiên cứu người Nhật nhưng làm việc ở Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Xin-ga-po, đã đến Hà Nội dự một hội nghị quốc tế và đã có dịp gặp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách của khu vực. Về kinh tế của Việt Nam, ông nói: “Nhìn vào đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì thấy đây là điều hết sức đáng nể. Cứ mỗi lần tôi đến Việt Nam tôi lại ngạc nhiên về điều đó, nhất là đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong ASEAN thì hiện nay có ba trung tâm thu hút đầu tư ngoại quốc: Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam. Nay Xin-ga-po đang thua dần về mặt cạnh tranh, nên nhiều công ty Nhật và châu Âu chuyển sang Băng-cốc. Nhưng từ khi chính trị Thái Lan không ổn định (ý nói đảo chính quân sự vừa qua) thì họ nghĩ ngay đến Việt Nam”. Ông cho rằng, trong bốn nước tân thành viên của ASEAN (Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma) thì Việt Nam là quan trọng nhất. Bởi thế khi Thái Lan gặp khủng hoảng thì chắc chắn đây là cơ hội cho Việt Nam để phát triển ảnh hưởng về mặt ngoại giao. Cũng rất thú vị khi ta ghi nhận rằng Việt Nam lại là một trong những nước bảo vệ mạnh nhất nguyên tắc “không can thiệp” vào nội bộ của nhau trong ASEAN. Và… điều đáng nói nữa là trong hội nghị quốc tế về Cộng đồng châu Á tôi tham dự ở Hà Nội gần đây thì người ta không nói bất cứ điều gì về dân chủ và nhân quyền cả. Việt Nam đang có nhiều cơ hội để gia tăng ảnh hưởng ngoại giao cũng như thu hút đầu tư cho tầm chiến lược phát triển.

NHĐ

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)