Trang chủ > Nhìn từ phía bên kia > Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên: Lời thú nhận muộn màng

Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên: Lời thú nhận muộn màng

Tháng Tư 4, 2014

Cao Văn Viên là một trong năm đại tướng của quân đội Sài Gòn, giữ chức Tổng tham mưu trưởng lâu nhất-từ 1965 đến 1975. Ngày Sài Gòn sụp đổ, Cao Văn Viên di tản sang sống ở Mỹ, mới qua đời ngày 22-1-2008. Trong hồi ký để lại, Cao Văn Viên nói về thất bại của Mỹ ở Việt Nam, của chế độ Sài Gòn, là do chính sách của Mỹ-Thiệu.

Cao Văn Viên viết: “Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng… Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành…”. Tuy nhiên, “tâm tình với lòng thành”-những lời tâm sự của viên đại tướng quân đội Sài Gòn từng giữ trọng trách Tổng tham mưu trưởng lâu nhất đã thú nhận quân đội Sài Gòn là quân đội tay sai của Mỹ.

Cao Văn Viên-Tổng tham mưu trưởng, cùng với Trần Thiện Khiêm-Thủ tướng, rất được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tin dùng, vì “hai người này là người của Mỹ”-như Thiệu nói. Dĩ nhiên, Cao Văn Viên cũng như Trần Thiện Khiêm, trải kinh nghiệm hiểu rằng muốn sống yên trên địa vị cao sang của mình thì phải chiều theo ý của Mỹ và Thiệu, luôn làm theo đường lối của Mỹ. Nhưng có lần Cao Văn Viên cũng phải ngán ngẩm buột miệng sổ toẹt về tính chất “tầm gửi” của quân đội Sài Gòn vào Mỹ. Khi phái đoàn nghị sĩ và dân biểu đến gặp Tổng tham mưu trưởng hỏi về chiến lược quân sự của Bộ tổng tham mưu, Cao Văn Viên nói thẳng: “Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh (!). Trách nhiệm về cuộc chiến ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi !”. Đối với Nguyễn Văn Thiệu là Tổng thống-Tổng tư lệnh quân đội, Cao Văn Viên so sánh với Ngô Đình Diệm: “Mỗi người độc tài theo cách riêng. Tổng thống Diệm duy trì chế độ như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống Cộng… Còn Nguyễn Văn Thiệu thì theo đường lối “độc tài trong dân chủ”, vỏ ngoài dân chủ nhưng bên trong thì chi phối cả hai ngành lập pháp và tư pháp, bàn tay sắt trong đôi găng nhung… Nguyễn Văn Thiệu “đa nghi Tào Tháo” và không e ngại ban phát ân huệ để tạo phe cánh và chia rẽ đối phương như ông ta đã làm tại quốc hội. Ông ta chủ trương “làm chính trị phải lỳ”. Những năm tại chức, Nguyễn Văn Thiệu luôn bị ám ảnh bởi cái chết của Ngô Đình Diệm…”.

Cao Văn Viên đổ lỗi thất bại của quân đội Sài Gòn cho Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội – Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “… Trước khi cuộc đàm phán tại Pa-ri tiến đến giai đoạn kết thúc, tình hình quân sự ngày càng thêm căng thẳng. Tổng thống Thiệu với tư cách Tổng tư lệnh quân đội đã tập trung hết quyền bính trong tay, cho đặt một hệ thống máy truyền tin tại Dinh Độc Lập để liên lạc thẳng với các quân khu, quân đoàn, điều động các đơn vị, bổ nhiệm tư lệnh vùng và ra lệnh trực tiếp hành quân… Bộ Tổng tham mưu lần hồi bị dồn vào vai trò tuân lệnh và thị chứng. Bộ quốc phòng chỉ còn là hộp thư giữa Tổng thống và Bộ tổng tham mưu…”. Hồi ký của Trần Văn Đôn nói về Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên có đoạn: “Nguyễn Văn Thiệu sợ nguy cơ mất hậu thuẫn khi thay Viên, cứ để Viên trấn trị, bày quân bố trận khắp 4 vùng chiến thuật như cũ mà đỡ lo hơn. Đến năm 1975, dù các sư đoàn lá chắn đã bị đánh vỡ và chọc thủng vào giai đoạn hấp hối của chế độ cũng mặc… bởi ông là con người của sự “thực thi mệnh lệnh” và “trung thành” với Tổng tư lệnh của mình”. Với hàm đại tướng, ghế Tổng tham mưu trưởng được cả Mỹ-Thiệu tin cậy, Cao Văn Viên vẫn không có sáng kiến gì trong việc điều binh khiển tướng mà vẫn giữ đúng nội dung “chỉ thị” của Mỹ-Thiệu. Khi theo lệnh của Thiệu, Viên xin Bộ trưởng quốc phòng Mỹ J.Xle-xin-gơ, tướng Tham mưu trưởng C.A-bram, tướng phụ tá quân sự Bộ quốc phòng J.Uých-cam tăng quân viện cho quân đội Sài Gòn, nhưng bị từ chối thẳng thừng vì quyết định của Quốc hội Mỹ là “không viện trợ vũ khí nữa”. Chính quyết định đó báo trước ngày tàn của quân đội Sài Gòn, mà theo Ha-ry Thớc, đông đến 1,3 triệu người, với hàng nghìn máy bay “thường nằm dưới đất nhiều hơn là tung cánh trên trời”… Cao Văn Viên ngán ngẩm: “Tôi đã làm đơn xin từ chức. Ông Thiệu yêu cầu tôi nán lại, đợi người thay thế, nhưng ông không quyết định…”. Mùa xuân 1975, Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên vẫn giữ đúng nội dung “chỉ thị” của Tổng tư lệnh quân đội Nguyễn Văn Thiệu về rút lui chiến thuật và dẫn đến thua trắng ở miền Nam, như Viên nói là “tất yếu” vì “trách nhiệm về chiến tranh ở đây là của Mỹ, trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ, chính sách đó do Mỹ đề ra, chúng ta (quân đội Sài Gòn) chỉ theo họ mà thôi!”.

Ngày 28-4-1975, Cao Văn Viên đã “cao chạy xa bay” sang Băng Cốc (Thái Lan) rồi sang Mỹ tá túc ở bang Viếc-gi-ni-a sống cho đến tuổi 87, để lại cuốn hồi ký với những lời thú nhận thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam của Mỹ-ngụy, tuy muộn màng nhưng cũng có thể có những bài học để tham khảo.

Nam Hải

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)